Hoạt động - Lễ hội Cầu Ngư

Nhắc đến lễ hội Cầu Ngư là người ta thường nhắc đến lễ hội Cá Ông ( hay còn gọi là lễ tế Cá Voi) – một trong những lễ hội lớn nhất của ngư dân thành phố Đà Nẵng.

Lễ hội Cầu ngư được tổ chức ở những vùng ven biển như Mân Thái, Thọ Quang, Thanh Lộc Đán, Xuân Hà, Hòa Hiệp... 
 
Lễ hội được diễn ra trong hai ngày, ngày đầu thiết lễ tiên thường, ngày sau là lễ tế chính thức. Và trong ngày lễ này bàn thờ được trang hoàng hết sức rực rỡ và trang nghiêm. Các nhà đều đặt bàn hương án bày đồ lễ cúng. Còn trên mỗi tàu thuyền thì đều chăng đèn kết hoa. Dân làng quanh biển đã chọn ra một ban nghi lễ gồm các cụ cao niên, hiền đức, có uy tín với bạn chài và không bị mắc tang chế. Vị chánh bái dâng đồ tế lễ (không được dùng hải sản) và đọc văn tế nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với công đức Cá Ông và cầu mong Cá Ông chứng dám lòng thành của ngư dân ngoài biển cho dân chày một mùa đánh bắt bội thu, thuyền bè đi khơi về lộng an toàn. Về phần hội, mọi người đã cùng tham gia các trò chơi dân gian vùng biển như : lắc thúng, đua thuyền, bơi lội, kéo co, đá bóng... Về văn nghệ, ngoài hát tuồng, hát hò khoan, còn có một hình thức múa hát đặc trưng của Lễ hội Cầu ngư là múa hát bả trạo (bả: nắm, trạo: chèo đò) diễn tả tinh thần đoàn kết giữa các thành viên trong một con thuyền, vượt qua sóng to gió cả, mang về một mùa bội thu cho ngư dân. Đến tối, lễ phóng đăng trên biển, lễ thả thuyền cúng các linh hồn đã khuất trên biển, lễ phóng sanh, lễ phá cộ… đã diễn ra thu hút đông đảo người dân về tham dự.

Lễ hội cầu ngư là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Một hình thái tổng hòa văn hóa đồng thời đây còn là một môi trường văn hóa đặc thù, nhiều loại hình nghệ thuật đã ra đời và được giữ gìn trong môi trường này. Lễ hội này là dịp để ngư dân - những con người luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc khi lênh đênh trên biển cả thể hiện khát vọng được bình yên trong cuộc sống.

Cổng TTĐT thành phố

Tin liên quan