Làng cổ Tuý Loan đã có trên 500 năm tuổi, đình làng cũng đã có trên 100 năm.
Làng Túy Loan được xem là một trong số ít những ngôi làng còn lưu lại những dấu tích cổ xưa nhiều nhất tại Việt Nam, hiện làng Túy Loan đã có trên 500 năm tuổi. Nằm bên dòng sông Túy Loan, cách tuyến Quốc lộ 14B qua địa phận xã Hòa Khương (Hòa Vang, Đà Nẵng) chừng chưa đầy 1 km, trải qua bao thăng trầm thời gian, đình làng Túy Loan tuy không còn giữ được nguyên trạng nhưng vẫn còn vẻ uy nghi vốn có. Hàng năm, vào ngày mồng 9 Tết Âm lịch, dân hai thôn Đông, Tây của làng Túy Loan tại xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng cùng du khách thập phương lại tập trung tại đây để mở lễ hội truyền thống của đình làng. Lễ hội làng Túy Loan thường diễn ra trong hai ngày mồng 9 và mồng 10 Âm lịch.
Đình làng Túy Loan do các vị tiền hiền ngũ tộc gồm: Đặng, Lâm, Nguyễn, Trần, Lê vận động nhân dân xây dựng nên, ức đoán vào năm 1470 (Thời Lê, hiệu Hồng Đức nguyên niên), khoảng nửa cuối thế kỷ thứ XV. Theo mô tả lịch sử, hồi ấy, đình làng Túy Loan làm bằng tranh tre nứa lá. Đến năm 1787, đình được trùng tu lần đầu, mùa đông năm Mậu Tý (1888) tu sửa lần nữa. Lần này hoàn thành trong 8 tháng do Đặng tướng quân húy Văn, giữ chức Quảng Nam hải phòng phó sự tổ chức. Nói là trùng tu nhưng thật ra do đình bị cháy nên lần này làm lại hoàn toàn. Qua hơn nửa thế kỷ vật đổi sao dời, đình làng đã được tu bổ nhiều lần, nhưng vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc cũ, mang sắc thái kiến trúc tín ngưỡng làng xã, chứng tích của một làng văn hóa lâu đời vùng ven TP. Đà Nẵng.
Đình Túy Loan qua khảo sát là di tích kiến trúc tín ngưỡng mang sắc thái địa phương, thể hiện văn hóa làng xã ngày trước. Đình lập ra để thờ thần, Thành hoàng bổn xứ, các vị tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn, cư dân lập ấp kiến thiết nên làng Túy Loan. Vật liệu chủ yếu để xây dựng là gạch, vôi và gỗ. Mái lợp ngói âm dương. Tường dày 30 cm. Đình hướng mặt ra sông và theo hướng bắc. Nếu từ sông nhìn vào, đình nằm phía hữu ngạn sông Túy Loan. Trước sân là một bình phong theo kiểu cuốn thư, cao 3 mét, rộng 2 mét. Mặt trước đắp nổi hình long mã. Mặt trong đắp nổi hình con lân.Tất cả được lắp ghép bằng nghệ thuật sành sứ. Hai bên bình phong có 4 trụ biểu. Mặt tiền bên tả đình đắp nổi hình con hổ, mặt tiền bên hữu đắp nổi hình cá hóa long. Phần nóc có 4 mái, đầu nóc bên tả hình gia thu, bên hữu hình cuốn thư. Bờ nóc chính là lưỡng long tranh châu, bờ nóc phụ thể hiện lưỡng long tranh nguyệt, hai đầu hiên thể hiện hình rồng. Tất cả trên mái đều trang trí bằng sành sứ. Nội tẩm và hậu tẩm có nóc riêng. Bên trong đình chia làm ba gian hai chái. Chính điện rộng 3,1 mét, dài 2,7 mét. Hậu tẩm rộng 2,7 mét, dài 2,4 mét có 4 hàng cột, mỗi hàng 6 cây toàn bằng gỗ mít. Phía dưới chân cột kê đá chạm hình quả bí. Kết cấu của kèo là chồng rường giả thủ. Các giả thủ được chạm trổ hoa lá, chân giả thủ chạm hình quả bí. Hai đầu các con rường chạm đầu rồng. Kẽ hiên cũng được chạm trổ hình hoa lá. Nơi thờ có nội tẩm, hậu tẩm, tả ban, hữu ban. Trên nội tẩm có một khán thờ bằng gỗ nơi để sắc phong các vị thần được thờ trong đình. Diềm trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, dưới là hoa lá. Cửa có hai cánh theo kiểu thượng song hạ bản (bàng khoa). Giữa là bàn thờ chung (hội đồng) có cặp hạt đứng chầu. Hai bên tả hữu còn cặp hạt bằng gỗ. Treo trên trính giữa là bức hoành phi có ba chữ Túy Loan đình. Toàn bộ cửa đình theo kiểu bàng khoa bằng gỗ mít và kiền kiền. Trong đình có một tấm bia ghi lập năm Thành Thái nguyên niên (1889). Nay, người làng còn giữ được 20 sắc phong thần, sắc xa nhất đời Minh Mạng (1826), sắc gần nhất đời vua Khải Định (1924).
Đình Túy Loan, nơi sinh hoạt văn hóa - lễ hội dân gian. Hằng năm có 2 lễ lớn: tế xuân và tế thu vào các ngày 14 và 15 tháng 2. Giờ thân 14/2 làm lễ sơ yết. Giờ sửu 15/2 làm lễ sơ tế. Tế thu vào các ngày 14 và 15 tháng 8 âm lịch. tế thu thường là cầu quốc thái dân an (gọi tắt là cầu an). Giờ thân 14/8 làm lễ sơ yết. Giờ sửu 15/8 làm lễ sơ tế.Tế thu thường có rước sắc vào 14/8; lễ rước từ nhà ông Thủ sắc về đình. Rước sắc có một bàn do 4 người khiêng, chung quanh phủ vải đỏ vàng, có lọng che, đi theo có 9 lá cờ, 1 lá vuông và 8 lá chéo. Ban nhạc bát âm và chiêng trống đi kèm. Đoàn rước sắc đi một vòng quanh làng, sau đó về đình. Trên đường đi dân làng nhập vào đội rước rất đông.
Lễ tế có trâu hoặc heo. Nếu hạ trâu tế thần thì chiều 14 âm lịch tháng 2, tháng 8, dân làng dắt trâu đi qua lại vài vòng trước sân đình, có ý là cáo với thần linh. Nếu hạ heo, bỏ heo vào rọ khiêng đến trước sân đình. Khi lấy tiết trâu để lại một tô huyết tươi. Trâu được thui bằng cây chổi. Thui xong mới cạo lông, trâu tế thần được đặt trên bàn thờ Hội đồng (thờ chung) vào giờ sửu, dùng mở chài nhúng huyết thoa lên mình trâu. Heo thì luộc chín xắt thành tợ, nọng và lát sắp vào dĩa, đầu heo, 4 chân, đuôi, lòng heo (mỗi thứ một ít) sắp trên dĩa lớn tế thần. Ngoài lễ vật phải có nêu trên còn có cơm, xôi và các món ăn chế biến tại địa phương mang phong vị quê nhà. Chuẩn bị cho lễ tế thần từ 1945 về trước Nhà nước phong kiến cấp ruộng công gọi là ruộng tự điền cho một vài người trong làng sản xuất thu lợi dùng vào việc tế thần. Hằng năm thời Tự Đức cấp cho 12 mẫu ruộng. Trước khi tế lễ một hôm, có lễ rước sắc từ nhà Thủ sắc về đình làng do các viên chức trong làng tham gia cùng với các chư phái tộc. Nghi lễ giống lễ rước tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Trong lễ tế có văn bài cầu quốc thái dân an và nhân dân trong làng hanh thông, an lạc, quanh năm làm ăn lao động sản xuất được mùa no đủ. Sau lễ tế người dân trong làng tập trung tại sân đình cùng nhau ăn bữa cơm với tinh thần cộng cảm cao. Tại đây, tổ chức các hoạt động vui chơi dân gian gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước như kéo co, nhảy dây, đập om, thi các loại đẩy cây, nấu cơm, cờ tướng…Có năm tổ chức hát bội, hò khoan đối đáp, tổ chức chơi bài chòi… Tại đình người dân trong làng trao nhau đổi các loại giống lúa mới, cây con mới, cách nuôi trồng và thời gian thu hoạch. Qua đó, bà con tại Tuý Loan có thể đổi, mượn, thuê…cho vụ mùa tới.
Ngoài chức năng phản ánh sinh hoạt văn hoá tinh thần của dân làng, đình làng Tuý Loan nói riêng và đình trên địa bàn huyện Hoà Vang nói chung còn có chức năng lịch sử. Tại đình Tháng 8/1945, nhân dân Túy Loan dùng đình làng tập trung tổ chức tuyên truyền phong trào " bài phong phản đế", cùng với nhân dân Tổng An Phước nổi dậy kéo về huyện đường Hòa Vang (ở Hóa Khuê trung tây) cướp chính quyền từ tay Pháp - Nhật. sau khi giành được chính quyền, nhiệm vụ hàng đầu của Tổng An Phước là củng cố chính quyền, phát triển lực lượng cách mạng. Đình làng Túy Loan cũng là nơi ông Lê Đình Hoàng tập cho dân quân tự vệ chiến đấu, bổ sung quân cho tiểu đoàn chiến đấu chống Pháp tại địa phương, đình được dùng làm giảng đường. Bãi đá bóng Túy Loan và cấm Chu Hương là thao trường.
Năm 1946, đình làng là nơi đóng quân của tiểu đoàn 17, 19 và là nơi thường xuyên tổ chức hội họp. Xã Liên An (nay là Hòa Phong) trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp (đầu năm 1947) đã trở thành hậu phương trực tiếp của mặt trận Quảng Nam - Đà Nẵng. Trạm cứu thương của tiểu đoàn 17 thuộc trung đoàn 96 - trung đoàn phòng ngự cho mặt trận Phước Tường, Đại La - được đặt tại đình làng. Đình còn là nơi đặt sở chỉ huy đánh sân bay trảng Nhật (trảng Trường thi) và chỉ huy từ Thanh Quýt đến Kim Liên.
Những năm 1955 - 1957 với chương trình tố cộng, diệt cộng của chính quyền Ngô Đình diệm, đình Túy Loan với Phú Hòa đã là những trung tâm huấn chính lớn điển hình của tỉnh Quảng Nam nhằm rút kinh nghiệm chỉ đạo cho các huyện khác. Có lúc số người tập trung đến 1000 người, chúng dùng đình làm nơi thẩm vấn tra tấn. Nhà thờ Ngũ tộc dùng làm nơi cho Ban cán sự chúng ở. Trại cải huấn được làm bên cạnh đình (phía tây) gồm một dãy nhà dài từ bình phong nhà thờ đến phía sau sát đường đi hiện nay, diện tích sử dụng là 360 mét vuông. Chúng bắt người dân trong toàn xã, mỗi người nộp 4 tấm tranh và 2 cây tre củng với nhân công làm trại. Sạp nằm làm bằng tre mỗi người dài 1,6 mét, rộng 0,3 mét, chỉ được nằm ngửa vì nằm nghiêng sẽ có cơ hội nói chuyện, trao đổi bàn bạc với nhau. Giờ ăn, chúng cấm và theo dõi không cho mọi người nhìn mặt nhau. Con đường phía trước chạy ngang qua mặt đình, dọc theo sông Túy Loan, dân đi qua bất kể là ai, nếu nhì vào khu cải huấn cũng bị bắt vào tra hỏi. Trong trại chúng tổ chức mỗi ngày nhiều lần sám hối tập thể. Hình thức: mọi người quỳ xuống, hai tay dang ra nắm một nặng, cả trại chỉ nhìn chung một ngọn đèn từ một đến ba giờ đồng hồ như thế.
Với các sự kiện lịch sử gắn với đình Túy Loan suốt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, sau năm 1975, đình Túy Loan đã được làm mô hình chiến tích chống Pháp và chống Mỹ đặt tại nhà truyền thống xã Hòa Phong, nhằm tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Ngày 4 tháng 1 năm 1999, Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận đình Túy Loan là di tích lịch sử - văn hóa.
Cổng TTĐT thành phố